Dự kiến triển khai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý 1/2024

Phó Thủ tướng thúc tiến độ tuyến cao tốc quan trọng nối Đồng Nai với Lâm Đồng; Thông tin mới về cây cầu được mong đợi nhất nối TP.HCM với Đồng Nai; Khu đất gần 14ha, giá khởi điểm gần 1.850 tỷ sắp được Hải Phòng đấu giá nằm ở đâu... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Bất động sản 24h: Dự kiến triển khai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc vào quý 1/2024

Hình minh họa

Khu đất gần 14ha, giá khởi điểm gần 1.850 tỷ sắp được Hải Phòng đấu giá nằm ở đâu?

Ngày 14.12 tới đây, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp TP Hải Phòng) sẽ tổ chức đấu giá Quyền sử dụng đất Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại thuộc khu đô thị mới Bắc Sông Cấm tại xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên. Theo đó, tổng diện tích khu đất là 13,6ha; giá khởi điểm hơn 1.847 tỷ đồng. Người tham gia đấu giá nộp số tiền đặt trước là hơn 369 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại thuộc Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm được UBND TP. Hải Phòng chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 1.11.2023. Theo đó, dự án có diện tích 13,6ha; tổng vốn đầu tư hơn 1.333 tỷ đồng. Quy mô dự án là xây dựng 328 căn nhà ở thương mại gồm 185 căn nhà ở liền kề cao 5 tầng; 132 căn nhà ở biệt thự song lập cao 4 tầng và 11 căn biệt thự đơn lập cao 3 tầng.

Phó Thủ tướng thúc tiến độ tuyến cao tốc quan trọng nối Đồng Nai với Lâm Đồng

Tỉnh Lâm Đồng cho biết, cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài khoảng 66 km (trong đó đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 55 km). Hiện hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở dự án để Bộ GTVT thẩm định với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng từ 17.200 tỉ đồng lên 18.120 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước vẫn giữ nguyên 6.500 tỷ đồng.

Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng giảm từ 186,21 ha xuống 172,64ha. Hiện nay, dự án đã hoàn thiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường; sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường; chuẩn bị mỏ vật liệu phục vụ xây dựng cao tốc…

Đối với cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương dài khoảng 74 km, tỉnh Lâm Đồng đang hoàn thiện cuối kỳ báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.521 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước 7.761 tỉ đồng; diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 3,07 ha.

Thông tin mới về cây cầu được mong đợi nhất nối TP.HCM với Đồng Nai

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương về việc nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cát Lái theo đề nghị trước đó của UBND. TP.HCM.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Kế hoạch đầu tư; Tài nguyên môi trường; Giao thông vận tải; Xây dựng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh và UBND các huyện Long Thành và Nhơn Trạch nghiên cứu, bổ sung vào các đồ án quy hoạch phía tỉnh Đồng Nai; đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các đồ án quy hoạch phía TP.HCM, phù hợp với mục tiêu phát triển chung khu vực.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch với TP. Thủ Đức. Trong đó, lưu ý thời điểm triển khai thi công phần cầu dẫn phía TP.HCM thực hiện sau khi tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 hoàn thành và đưa vào khai thác trong giai đoạn 2026 – 2030.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi vừa được phê duyệt có gì đặc biệt?

Phạm vi ranh giới Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.155,24 km2, bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền và phần không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh.

  •  

(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng