Viết tiếp câu chuyện Bảo Lộc - Trung tâm Nghĩ dưỡng kết hợp trị liệu hàng đầu ĐNA

Bảo Lộc quả thực được thiên nhiên ưu đãi cho rất nhiều về khí hậu, cảnh quan, vị trí địa lý để trở thành 1 trung tâm nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu, chữa bệnh hàng đầu Việt Nam thậm chí hàng đầu khu vực Đông Nam Á

Tuy nhiên. Tiềm năng là tiềm năng, để thực tế hóa tiềm năng của nó là 1 câu chuyện rất dài, rất khó khăn. Cần 10-20 năm thậm chí là lâu hơn

Để tạo ra một nơi như vậy thì chi phí rất cao, mà chưa chắc người ta đã chịu chi. Khác với biển, chỉ cần cái võng, cái ghế, ly nước dừa là có trải nghiệm ngay, còn Bảo Lộc muốn khách cảm được thì phải thiết kế cả một hệ sinh thái sống, từ không gian, con người đến trải nghiệm.

Chưa kể mô hình này rất cần chuyên môn đặc thù: phải có bác sĩ, chuyên gia đông y, người hướng dẫn thiền, người biết làm thực dưỡng, người biết cách nói chuyện với người đang buồn, không phải nhân viên du lịch thông thường. Và những người như vậy thì vừa hiếm, vừa khó giữ chân. Trong khi nếu hướng tới mô hình như vậy thì người tới đa phần là đang rối loạn nhẹ, mất ngủ, trầm cảm, kiệt sức vì công việc hay vừa trải qua chuyện buồn – họ không ồn ào, không vội vã, và cũng không dễ hài lòng với những thứ hời hợt.

Một vấn đề nghiêm trọng khác nữa. Kể cả tạo được mô hình, thì ai sẽ là người chi tiền để sử dụng nó. Tạo ra một mô hình như vậy chi phí sẽ cực kỳ cao dẫn đến giá trải nghiệm, sử dụng cũng cao.

Ta nói đây là bán thiên nhiên, bán sự nghỉ, bán sự yên, bán sự chữa lành. Nhưng bao nhiêu khách hàng sẽ thực sự chấp nhận, hiểu và tính nó vào giá phải chi trả?

Hãy tưởng tượng. Một căn homestay xây lên giữa rừng thông bán phòng với giá 1-2 triệu/đêm. Người bán nói rằng ấy là giá của thiên nhiên, sự yên vv.. nhưng ở chiều hướng người sử dụng thì họ thấy gì “Một căn nhà gỗ chả có gì mà tới tận 1-2tr/đêm”

Với số tiền đó người ta có thể đi 1 resort nào đó ngoài biển, đẹp, sang trọng, có thể chụp hình sống ảo?

Đi làm “sự yên” – cho một xã hội chưa sẵn sàng yên thật là 1 điều không khôn ngoan

Vậy rút cục lối đi nào cho Du Lịch Bảo Lộc đây, làm sao để hút khách về, làm sao để có thể triển khai?

----------------

- Có người từng đưa ra ý tưởng là 1 bên làm điều phối, kết nối các sự liên kết dịch vụ giữa nhiều bên. Bên bán phòng, bên y tế, bên trị liệu, bên thiền, bên cung cấp các trải nghiệm như làm gốm, vẽ tranh, trò chuyện…. Mỗi bên làm 1 khâu chuyên biệt, chuyên môn hóa, sẽ chia đều vốn đầu tư ra không cần 1 bên phải ôm nhiều, chỉ đầu tư vào 1 thứ nhưng lượng khách sẽ được chia chung hết cả nên có thể kéo chi phí xuống. Nghe thì lý tưởng, nhưng sẽ khó, không, phải nói gần như không thể thực hiện được. Chúng ta chưa quen hợp tác với nhau đâu, hãy nhìn khắp đất nước này, có hội đoàn nào về thương nghiệp thực sự hợp tác sâu sắc và thành công không? Không có

- Còn về 1 cá nhân/pháp nhân tự làm hết, lại càng vô vọng. Làm nhỏ thì nhìn khác nào trò đùa, làm to thì tiền đâu, chỉ có tập đoàn siêu to khổng lồ mới may ra làm nổi. Mà tập đoàn thì họ không đầu tư vào những thứ hư vô

-----

Vậy làm cách nào? Thực sự vô phương sao?

Cũng không, một vùng đất đẹp như thế này sao có thể vô phương được. Tuy nhiên, chỉ là để mà làm nó lên cần phải có sự bắt đầu từ “người lớn” tức cấp lãnh đạo. Ưu việt của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa là ở đây. Có thể thay thế bàn tay vô hình điều phối thị trường, điều phối hết 1 sự phát triển của địa phương, tạo ra những sản phẩm mình muốn.

Nếu đã nói đến phần chiến lược phát triển địa phương, từ đây xin được đưa chút ý kiến cùng ngôn từ hơi sắc thẳng thắn 1 chút, mọi người thông cảm:

- Đầu tiên, xác định rõ sản phẩm không rẻ, không có 1 cái gì về tinh thần mà có thể rẻ được cả.

- Tiếp theo, xác định tệp khách. Không phải người Việt, cụ thể là người Việt mới giàu. Không phải là không có tiền mà là trong thói quen tiêu dùng, người ta chịu bỏ vài chục triệu để đi làm răng, đi du lịch luxury, nhưng kêu ở yên một nơi để thở, để sống chậm lại, để được nghỉ đúng nghĩa… thì lại thấy tiếc tiền. Người có đủ tiền thì thường chọn resort biển 5 sao để "được phục vụ", chứ không mấy ai bỏ tiền ra chỉ để “ở yên và thở”. Tôi cũng không bỏ, vì tôi nằm trong tệp này, nhưng tôi biết sẽ có những người sẵn sàng bỏ tiền cho việc ở yên và thở vì những thứ kia họ quá đủ rồi

- Ấy là khách quốc tế, khách sang thực sự, những người mà sự xa hoa đối với họ nhiều đến mắc nghẹn rồi

- Ấy là định vị sản phẩm, định vị tệp khách hàng. Tiếp đến là triển khai sản phẩm ở cấp địa phương

- Địa phương nắm trong tay chính sách, quy hoạch. Vậy hoàn toàn có thể điều phối mềm bằng các chính sách ưu đãi. Ví dụ như khu vực này nếu có bác sĩ nào chuyên môn đông y về mở phòng mạch chuyên trị liệu với các tiêu chuẩn ABC sẽ được miễn phí thuế trong bao nhiêu năm hay thậm chí hỗ trợ thêm một khoản tiền cho cơ sở vật chất ban đầu. Anh em đọc vào đừng cười, cái này bên nông nghiệp có rồi nha. Nhà nước mình làm rất tốt khoản này đấy. Cho vay tiền mua bò nè, hỗ trợ 50-100tr/1.000m2 nhà kính nếu làm nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ không cần hoàn lại… nhiều lắm đấy. Áp qua cho du lịch phần nào là được.

- Các mảnh ghép còn lại trong hệ sinh thái của sản phẩm này cũng vậy, dùng các chính sách để thu hút những mảnh ghép còn lại VÀO ĐÚNG NƠI NÓ CẦN ĐẶT. Tức phải liên quan đến quy hoạch nữa, không được manh mún, tự phát. Các mảnh ghép phải được đặt đúng nơi để tương hỗ lẫn nhau tạo thành 1 hệ sinh thái dễ dàng sử dụng cho khách phương xa đến

NHỮNG ĐIỀU NÀY ĐỊA PHƯƠNG ĐANG LÀM TRONG QUY HOẠCH, CHÍNH SÁCH RỒI CHỨ KHÔNG PHẢI HƯ VÔ. NẾU ANH CHỊ EM CÓ AI CHỊU KHÓ ĐỌC BẢN THUYẾT MINH QUY HOẠCH VÀ CÁC NGHỊ QUYẾT GẦN NHẤT CỦA TỈNH LÀ SẼ THẤY CÓ

----

Kết lại:

Bảo Lộc không thể cạnh tranh bằng sự náo nhiệt, không thể đấu với biển bằng những cú sốc thị giác hay khoảnh khắc “wow” chớp nhoáng. Nhưng Bảo Lộc có thể đi một con đường khác – chậm, nhưng sâu – như chính khí hậu sương giăng mỗi sáng nơi đây.

Muốn làm, phải bắt đầu từ chính quyền địa phương, từ chính sách điều phối quy hoạch theo trục sản phẩm – chứ không phải theo cảm tính hoặc mảnh đất nào xin được thì làm cái đó.

Muốn thu hút người tài như bác sĩ trị liệu, chuyên gia thực dưỡng, thiền sư, nhà tâm lý… thì phải có chính sách như nông nghiệp công nghệ cao đã làm:

- Hỗ trợ hạ tầng ban đầu

- Miễn, giảm thuế trong 5–10 năm

- Quy hoạch đồng bộ, tránh manh mún

- Định vị tệp khách phải thật rõ: Không phải người Việt bình thường, không phải người đi du lịch kiểu “có khuyến mãi thì đi”. Mà là những người đã chán sự xa hoa, đã sống quá nhanh, và bắt đầu mệt với chính mình. Người Nhật, người Hàn, người Đức, người Thụy Sĩ – những nơi mà "retreat" là một ngành công nghiệp

- Khách quốc tế cần một nơi để “ở yên” – và Bảo Lộc có thể là nơi đó, nếu biết xây nó thành “chốn để yên”

- Không cần ồ ạt resort. Chỉ cần những cụm nhỏ – vừa đủ đẹp, vừa đủ tĩnh – nhưng có trị liệu thật, chữa lành thật, không gian thật, con người thật.

- Và cứ thế, từng mảnh ghép – khớp đúng chỗ, được đặt vào đúng vùng – sẽ tự tạo thành một sản phẩm sống được. Không phải để số đông trầm trồ, mà để số ít gắn bó.

- Vì làm du lịch cho người cần nghỉ, khác với làm du lịch cho người cần chơi.

- Sẽ còn nhiều chi tiết hơn rất nhiều trong triển khai vận hành. Tuy nhiên, phải bắt đầu được đã

----

Một số địa phương trên thế giới đã rất thành công với mô hình nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu này có thể học tập tham khảo:

1. Baden-Baden (Đức) – Thành phố chữa lành 200 năm tuổi

- Được mệnh danh là “Thủ đô spa của châu Âu”, nổi tiếng từ thế kỷ 19.

- Nguồn lực tự nhiên: suối khoáng nóng, khí hậu ôn hòa, không khí sạch

- Toàn thành phố được quy hoạch theo hướng: Bệnh viện phục hồi chức năng. Trung tâm suối khoáng, massage y học. Rừng trị liệu (forest therapy). Casino, opera, và nghệ thuật cho tinh thần

- Khách quốc tế là chủ yếu (Nga, Pháp, Thụy Sĩ...)

2. Beppu (Nhật Bản) – Thành phố onsen trị liệu lớn nhất Nhật Bản

- Hơn 2.000 dòng suối nước nóng, khí hậu cận nhiệt đới – ôn hòa

- Cả thành phố là một chuỗi các khu nghỉ dưỡng, viện điều trị, khu dân cư trị liệu, các nhà dưỡng lão cao cấp, chương trình “sống dài, sống sâu”

- Gắn kết y tế với nghỉ dưỡng, với giáo dục sức khỏe cộng đồng

- Beppu cho thấy: trị liệu có thể trở thành một ngành công nghiệp địa phương toàn diện, không chỉ du lịch ngắn ngày.

3. Davos (Thụy Sĩ) – Từ nơi chữa bệnh lao thành thủ phủ “retreat cao cấp”

- Ban đầu là thành phố dưỡng bệnh hô hấp, do khí hậu cao nguyên lạnh – khô

- Giờ là nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và là điểm retreat của giới chính khách, tỷ phú

- Cả thành phố được bảo tồn không gian sống sạch, dịch vụ y tế tinh lọc, tách biệt hoàn toàn khỏi đô thị ồn ào

4. Chiang Mai (Thái Lan) – “Thủ đô chữa lành” mới nổi của Đông Nam Á

- Không còn là “vùng quê Bắc Thái” nữa – hiện là một đô thị nghỉ dưỡng trị liệu

- Phát triển: Các làng retreat – detox. Trung tâm thiền Vipassana, chánh niệm. Bệnh viện kết hợp Đông – Tây y, viện tâm lý trị liệu. Cộng đồng người nước ngoài sống dài hạn vì... “tĩnh”

5. Jeju (Hàn Quốc) – Đảo sống chậm, nghỉ dưỡng nội sinh

- Được chính phủ Hàn Quốc quy hoạch trở thành “hòn đảo trị liệu – nghỉ dưỡng quốc dân”

- Có các “Healing Forest”, trung tâm chăm sóc hậu ung thư, bệnh viện phục hồi, resort dưỡng tâm

- Có chương trình định cư dài hạn cho người cao tuổi

- Xây dựng lối sống wellness toàn diện: ăn – ở – di chuyển – nghỉ – điều trị

Nguồn: fb Người Mua Nhà 


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng