Mặt bằng nhà phố bị trả khắp nơi, nhiều người thuê vẫn “khóc mếu” vì chủ nhà đòi tăng giá lên 20%
Làn sóng trả mặt bằng đang diễn ra khắp Tp.HCM. Tuy vậy, giá thuê chưa có dấu hiệu hạ nhiệt so với đầu năm. Thậm chí, có trường hợp chủ nhà vẫn tăng giá thuê theo định kì khiến người thuê “khóc dở, mếu dở”.
Khảo sát thị trường cho thuê tại các quận, huyện tại Tp.HCM thời điểm cuối năm cho thấy, tỉ lệ trả mặt bằng tăng cao nhưng giá thuê chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét. So với đầu năm 2023, hiện giá thuê mặt bằng đa số đi ngang hoặc một số nơi giảm nhẹ từ 5-7% (do thương lượng giữa chủ nhà – khách thuê). Ở chiều ngược lại, một số mặt bằng, chủ nhà vẫn tăng giá theo định kì 10-20% trong vòng 6 tháng đến 1 năm thuê.
Mới đây, một cửa hàng thời trang tại Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) phải trả lại mặt bằng chuyển sang chỗ khác kinh doanh do chủ nhà đòi tăng giá thuê lên 20%, tức tăng lên 4 triệu đồng/tháng. Đây là mặt bằng có giá thuê 20 triệu đồng/tháng đã kinh doanh thời trang được gần 2 năm. Dù kinh doanh gặp khó khăn nhưng chủ nhà vẫn tăng giá thuê khiến người đi thuê đành trả mặt bằng và chuyển sang chỗ khác có giá thuê rẻ hơn.
Khi được hỏi, việc tăng giá 20% có trong hợp đồng giữa hai bên trước đó hay không thì vị này cho biết, hai bên thoả thuận tăng 10% sau 1 năm nhưng với điều kiện kinh doanh tốt. Dù đã nói chuyện với chủ thuê về khó khăn trong kinh doanh nhưng không được cảm thông nên quyết định trả mặt bằng.
Khảo sát dọc các tuyến đường lớn tại Tp.HCM nhận thấy, khá nhiều mặt bằng được trả ra từ thời điểm quý 3/2023 đến nay. Trong đó không ít mặt bằng treo biển thuê từ đầu năm đến nay vẫn hiện trạng bỏ trống. Tuy nhiên, liên hệ môi giới trên tờ rao thuê thì giá thuê hoặc chỉ giảm nhẹ 1-3 triệu đồng/tháng so với khách thuê trước hoặc giữ giá, thậm chí tăng vài triệu đồng/tháng so với đợt thuê trước đó (tuỳ vào từng mặt bằng). Có điểm khác so với lúc thị trường thuê sôi động là chủ nhà “chịu” ngồi lại thương lượng giá với người thuê, tuỳ vào nhu cầu và mặt hàng kinh doanh theo tiêu chí của người cho thuê.
Theo các môi giới, có một số chủ thuê vẫn tăng giá theo định kì hoặc chấp nhận bỏ trống mặt bằng chứ không giảm sâu giá thuê. Hiện số lượng chủ nhà chịu cho thuê “bằng mọi giá” rất hiếm. Đó phải là tài sản không vay ngân hàng, hoặc “ế” rất lâu ngày, ở vị trí xấu… còn lại, đa số chủ nhà đều giữ giá thuê tài sản dù thị trường khó khăn.
Một môi giới cho biết, khi có khách thuê, môi giới liên hệ và thương lượng giá với chủ nhà giảm theo ý của khách nhưng hầu hết đều bị chủ nhà từ chối. Có trường hợp khách thuê 1-2 tháng trả mặt bằng ra nhưng sau đó, chủ mặt bằng liền tăng giá thêm 1-3 triệu đồng/tháng với khách thuê sau. Điều này cho thấy, dù thị trường khó khăn nhưng chủ nhà chỉ thương lượng giá, không giảm sâu.
Theo lý giải của môi giới, người cho thuê sợ mất giá tài sản và kì vọng thị trường phục hồi sẽ khó cho thuê được giá như trước đây. Do đó, thay vì liên tục giảm giá thuê gây hiệu ứng xấu, họ sẽ thương lượng với người thuê bằng cách giảm số tiền cọc xuống. Thông thường trước đây khi đi thuê mặt bằng, người thuê phải cọc trước từ 2-4 tháng (tuỳ mặt bằng) thì hiện nay do khó khăn có thể thương lượng cọc 1-2 tháng. Thậm chí có trường hợp, chủ nhà cho người thuê trả giãn cách khoản cọc này.
Dự báo cuối năm nay, tình trạng trả mặt bằng nhà phố cho thuê vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu suy giảm. Những khó khăn về kinh tế chung đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường cho thuê.
Theo CafeF
Xem thêm