Nâng cao chất lượng đô thị để phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ
Nâng cao chất lượng các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với vùng kinh tế năng động của cả nước.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu phát triển Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Để đạt mục tiêu này, nâng cao chất lượng các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với vùng kinh tế năng động của cả nước.
Hệ thống đô thị phát triển mạnh
Đông Nam bộ gồm TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh. Đây là vùng kinh tế năng động, có hệ thống đô thị phát triển.
Toàn vùng hiện có gần 60 đô thị. Theo đó, TP.HCM đóng vai trò đô thị trung tâm, đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, có động lực và sức thu hút, lan tỏa cho vùng và cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt, đến năm 2025 dự kiến Đông Nam bộ sẽ tăng thêm 10 đô thị, đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng đô thị để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới.
Liên quan phát triển đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết TP.HCM là đô thị đặc biệt, có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước.
Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh đã tạo động lực phát triển không chỉ cho thành phố đóng vai trò hạt nhân mà còn cho sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30.12.2022 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo nghị quyết, đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ-công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
TP.HCM phấn đấu tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm.
Không gian xanh tại Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Đến năm 2045, thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Cùng ở Đông Nam bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tứ giác kinh tế Đông Nam bộ (gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu), Bình Dương là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị, dịch vụ.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khá cao, trên 80%.
Mục tiêu của Bình Dương đến năm 2030, tỉnh trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Đến năm 2045, Bình Dương là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, hiện đại; môi trường và chất lượng sống tốt; có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, kiến trúc đô thị tiên tiến, bản sắc.
Ở vị trí cửa ngõ hướng ra biển Đông của các địa phương khu vực miền Đông Nam bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chú trọng quy hoạch, phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết tỉnh đã cơ bản định hình 4 vùng rõ rệt là vùng tập trung phát triển công nghiệp và cảng biển ở phía Tây, dọc Quốc lộ 51 và sông Thị Vải-Cái Mép; vùng tập trung phát triển du lịch, đô thị và dân cư ở khu vực phía Nam và Đông Nam của tỉnh; vùng phát triển nông nghiệp tập trung ở phía Bắc; vùng thềm lục địa và hải đảo là khu vực tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, đồng thời bảo vệ quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Các đô thị của tỉnh được tập trung đầu tư, xây dựng và hoàn thiện. Cụ thể, thành phố Vũng Tàu đã được công nhận là đô thị loại 1 từ năm 2013.
Diện mạo đô thị biển Vũng Tàu ngày càng đổi mới, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, văn minh hơn, khẳng định rõ nét hình ảnh một thành phố biển đáng đến, đáng sống, một đô thị trung tâm hàng đầu khu vực Đông Nam bộ.
Vũng Tàu đã được Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á trao tặng danh hiệu "Thành phố du lịch sạch ASEAN."
Nâng cao chất lượng
Theo các chuyên gia phát triển đô thị, bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay phát triển đô thị; trong đó có đô thị vùng Đông Nam bộ đang đứng trước nhiều thách thức như quá tải về hạ tầng đô thị, có hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước, hạ tầng viễn thông, thiếu nhà ở xã hội, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập lụt, ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng gay gắt... Do đó, có các giải pháp nâng cao chất lượng đô thị là rất cần thiết.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng, theo hướng bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Thành phố Vũng Tàu nhìn từ đỉnh núi Nhỏ. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Ngày 3.4.2023, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23.11.2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để phát triển đô thị, Bộ Xây dựng hướng dẫn, theo dõi, báo cáo chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa liên vùng, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa vùng Đông Nam bộ đạt khoảng 70-75%.
Đồng thời, lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050; trong đó, làm rõ phương án phát triển đô thị và nông thôn vùng Đông Nam bộ, các đô thị trung tâm, hạt nhân cấp vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Xây dựng cũng hướng dẫn các địa phương phát triển mô hình đô thị tăng trưởng xanh, sinh thái, đô thị thông minh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị trong vùng, chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, quy hoạch phát triển hệ thống đô thị vùng có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Các địa phương hướng tới phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển mạng lưới đô thị động lực gắn với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; xây dựng và phát triển các đô thị trọng điểm trên các trục kinh tế trọng điểm, hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4, các tuyến cao tốc của vùng Đông Nam bộ và gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, thành phố tập trung củng cố, nâng cao chất lượng phát triển đô thị tại các khu vực có vai trò động lực lan tỏa tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ bề rộng sang chiều sâu tại các đô thị lớn với hạ tầng đồng bộ và dẫn dắt chuyển đổi nền kinh tế số và các dịch vụ có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao.
Thành phố thúc đẩy các đô thị chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, thông minh và thích ứng, với giải pháp phù hợp thực tiễn theo lợi thế cạnh tranh của từng đô thị, củng cố quan hệ đối tác đô thị-nông thôn; thúc đẩy kết nối vùng và hợp tác giữa các đô thị, đẩy mạnh hợp tác công-tư, hợp tác quốc tế.
Liên quan đến quy hoạch, phát triển các lĩnh vực thế mạnh; trong đó, có du lịch với giải pháp phát triển, hoàn thiện các đô thị du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rị-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định du lịch là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng.
Quy hoạch định hướng phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung thực hiện các giải pháp như đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP.HCM, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, xây dựng Cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, các tuyến đường sắt đô thị...
Tỉnh phát triển các đô thị, nhất là đô thị du lịch ven biển theo mô hình đô thị xanh, bền vững, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo chất lượng vượt trội, đáng sống, hấp dẫn du khách.
Theo Người Đô Thị
Xem thêm