Nhà Ở Công Nhân Sẽ Bùng Nổ Nguồn Cung Thời Gian Tới?

Nhà ở công nhân là phân khúc bất động sản có lực cầu lớn không thua kém nhà ở xã hội. Sự phát triển mạnh của bất động sản công nghiệp trong những năm qua dẫn đến số lượng khu công nghiệp tăng vọt, tất yếu kéo theo lượng công nhân khổng lồ, đi kèm với nhu cầu lớn về nhà ở.

Nhà Ở Công Nhân – Những Con Số Khiêm Tốn

Sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp gắn liền với sự bùng nổ của các khu công nghiệp. Hiện cả nước có gần 600 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành. Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong số khoảng 24,5 triệu lao động làm công hưởng lương thì lực lượng công nhân làm việc trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%.

Nhu cầu về nhà ở của công nhân do đó rất bức thiết. Thế nhưng, số liệu của Bộ Xây dựng, hiện mới chỉ có hơn 120 dự án nhà ở công nhân được hoàn thành, tương đương với 2,7 triệu m2 sàn xây dựng, đáp ứng chỗ ở của khoảng hơn 340.000 người lao động, mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp.

Hiện nguồn cung nhà ở công nhân mới chỉ đáp ứng khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp

Như vậy, phần lớn công nhân vẫn đang phải đi thuê trọ. Một khảo sát của Batdongsan.com.vn ghi nhận thị trường nhà trọ công nhân ở Quang Châu, Việt Yên, Hiệp Hoà (Bắc Giang)… đang có giá thuê từ 1-1,6 triệu đồng/tháng. Các dãy phòng trọ cho công nhân thuê ở Yên Phong, Thuận Thành (Bắc Ninh) có giá thuê dao động từ 1,6-1,8 triệu đồng/phòng. Các dãy phòng trọ tại các khu công nghiệp ở Thái Nguyên có mức giá dao động từ 1,1-1,7 triệu đồng/phòng.

Điểm chung phổ biến của các phòng trọ là rộng từ 12-25m2, khép kín hoặc không khép kín, là nơi ở của 2 đến 5 người. Phần lớn các công nhân đều thuê chung để tiết kiệm chi phí ở. Ngoài ra, các khu vực này cũng có những phòng trọ khoảng 10m2 với giá thuê dưới 1 triệu đồng. Chật chội, ẩm thấp và đông đúc là điểm chung của nhiều khu trọ. Điều kiện sống này khiến công nhân tại các khu công nghiệp chỉ coi đây là chỗ ở tạm, làm tạm, khi tích luỹ được số vốn nhất định sẽ quay trở về quê. Họ không xác định đây là nơi “an cư lạc nghiệp”, điều này cũng dẫn đến những biến động về nhân sự tại các khu công nghiệp lớn.

Nguồn Cung Nhà Ở Công Nhân Sẽ Tăng Trưởng Thời Gian Tới

Để thúc đẩy nguồn cung nhà ở công nhân, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng cần sửa Luật Nhà ở. Theo đó, Luật Nhà ở phải có quy định về quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Quá trình phát triển hai phân khúc này cần đi kèm các yếu tố là đầy đủ tiện ích, dịch vụ cũng như kết nối giao thông thuận tiện để thu hút người dân về sống.

Nguồn cung nhà ở công nhân sẽ bùng nổ thời gian tới

Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê do ngân sách nhà nước có hạn. Đối với nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hoá để doanh nghiệp tư nhân thực hiện.

Bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn và Định giá, Savills Hà Nội cho hay nguồn cung nhà ở công nhân sẽ tăng trưởng trong thời gian tới do có những lực đẩy tích cực từ chính sách, pháp lý. Cụ thể, vào đầu năm 2023, Nghị định 33 được thông qua đã đưa ra những cam kết quan trọng về nhà ở công nhân và nhà ở xã hội. Trong đó, dự thảo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” đang được Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây Dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện.

Thực tế này cho thấy Chính phủ đang vào cuộc quyết liệt đối với hai loại hình nhà ở này. Nhà ở công nhân và nhà ở xã hội hiện đã được đưa vào quy hoạch chung ở các chính quyền địa phương và cả nước. Các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển và các gói tài chính hỗ trợ đã được Nhà nước cung cấp để người công nhân tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở. Cụ thể, đó là quy định một số khu công nghiệp phải có tối thiểu 2% tổng diện tích đất dành cho nhà ở công nhân. Phân khúc nhà ở công nhân cũng được đề xuất miễn tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, chủ đầu tư phát triển nhà ở công nhân được đề xuất hưởng các cơ chế tài chính như miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; chi phí xây dựng cũng có thể được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp phát triển cũng có thể tiếp cận các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức tín dụng khác đang hoạt động tại Việt Nam. Công nhân cũng được vay vốn từ gói hỗ trợ tín dụng 15 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. Như vậy, cách cửa tiếp cận nhà ở công nhân của người lao động tại các khu công nghiệp đang trở nên rộng mở.

Theo Batdongsan.com.vn


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng