Nhiều "lực đẩy" để thị trường TP.HCM phục hồi nhanh sau dịch

Dù chịu ảnh hưởng nặng nhất trong làn sóng Covid-19 lần 4, thị trường BĐS TP.HCM vẫn được nhận định sẽ sớm phục hồi và bứt phá mạnh mẽ nhờ hàng loạt "lực đẩy" từ hạ tầng và cởi khóa pháp lý dự án. 

Động lực từ đầu tư công và cởi trói pháp lý

Sau giãn cách xã hội kéo dài, thị trường BĐS TP.HCM được dự báo sẽ sớm hồi phục nhờ loạt chính sách như đẩy mạnh đầu tư công, tháo vướng mắc pháp lý ở các dự án, hỗ trợ phát triển nhà ở giá vừa túi tiền.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chính phủ đang có nhiều kế hoạch nhằm thúc đẩy đầu tư công, hạ tầng phát triển cho thị trường phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy cứ một đồng đầu tư công sẽ kích thích đầu tư xã hội từ 8-10 đồng. Nếu giải ngân đầu tư công 50.000-60.000 tỷ đồng sẽ kích thích thị trường 500.000-600.000 tỷ đồng. Việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công và phát triển hạ tầng sẽ tạo lực đỡ rất lớn giúp thị trường BĐS hồi phục. Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công của Chính phủ lên đến 2,87 triệu tỷ đồng có thể kỳ vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh lãi suất thấp, dòng tiền chờ vào BĐS nhiều khả năng vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.

Lợi thế về đầu tư công và giải tỏa pháp lý đang là yếu tố giúp thị trường BĐS TP.HCM dự kiến phục hồi nhanh sau đại dịch.

Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, bên cạnh cú hích đầu tư công, nội lực của thị trường BĐS TP.HCM vẫn rất lớn. Bất chấp khó khăn do đại dịch, trong 9 tháng đầu năm dòng tiền đổ vào BĐS vẫn tăng trưởng. Lượng trái phiếu BĐS đã phát hành đạt 148.000 tỷ đồng, chiếm 37% trên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng. Nguồn vốn FDI vào BĐS đứng thứ hai trong các ngành nghề, vốn từ chứng khoán đổ về cũng tăng mạnh, chưa kể nguồn tiền dồi dào trong dân tiếp tục dịch chuyển vào BĐS, cộng với hiệu ứng từ cú hích đầu tư công, cơ hội phục hồi của thị trường địa ốc rất lớn.

Bên cạnh đó, hàng loạt khó khăn vướng mắc pháp lý liên quan đến thị trường BĐS đang và sẽ được Chính phủ tập trung tháo gỡ. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng. Sắp tới đây Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS cũng được trình Quốc hội sửa đổi, ban hành sớm hơn dự kiến 1 năm. Hiện Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022-2023, đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho khối doanh nghiệp. Kỳ vọng với những chương trình này cộng với khả năng nền kinh tế sẽ như lò xo bật sau đại dịch, khả năng tăng trưởng GDP trong năm 2022 ở mức 6,5-7% là tương đối khả quan. Diễn biến này hứa hẹn tạo nhiều cơ hội phục hồi cho thị trường BĐS trong thời gian tới.

Sức mua vẫn cao, thị trường chỉ thiếu dự án sạch

Một lợi thế để thị trường BĐS TP.HCM phục hồi nhanh là nhu cầu nhà ở luôn rất lớn. Theo ông Phạm Lâm, TGĐ DKRA Vietnam, tâm lý tích cực đang phục hồi trên thị trường trong một tháng qua. Trong thời gian giãn cách nhiều người lo lắng thị rường bị đóng băng nhưng thực chất giao dịch chỉ đình trệ trong tháng 7, sang tháng 8, tháng 9 hoạt động giao dịch tăng trở lại và phục hồi tốt trong tháng 10. Trong tình hình dịch nhưng lượng sản phẩm BĐS tiêu thụ tại các dự án vẫn cao. Điều này cho thấy nhu cầu mua nhà vẫn rất tốt.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhu cầu nhà ở trên thị trường hiện cao hơn nguồn cung chào bán. Sự giảm nhiệt của thị trường trong thời gian qua không đến từ yếu tố nguồn cầu mà là do sự khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở vừa túi tiền. Trong quý 3 vừa qua, TP.HCM chỉ có 2 căn hộ triển khai và đều thuộc phân khúc cao cấp. Một số dự án nhà ở giá vừa túi tiền, pháp lý hoàn thiện chào bán ra thị trường thời gian qua đều đón nhận sức mua rất tốt. Nếu giải quyết bài toán nguồn cung và tập trung phát triển nhà ở vừa túi tiền, phục vụ nhu cầu thực, thị trường sẽ bật tăng mạnh mẽ trong các năm tới đây.

Thành phố cần đẩy mạnh giải bài toán nguồn cung và tăng cường triển khai các dự án nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu ở thực. 

Thực tế giao dịch nhà ở tại TP.HCM thời gian qua cũng cho thấy, những dự án có đầy đủ pháp lý, giá chào bán vừa túi tiền đều ghi nhận sức tiêu thụ tốt. Đơn cử, dự án Westgate tại Bình Chánh được Tập đoàn BĐS An Gia chào bán thời gian qua với mức giá 40 triệu đồng/m2 - mức thấp nhất so với giá bán BĐS trung bình ở thị trường sơ cấp tại TP.HCM hiện nay là 61 triệu đồng/m2. Mặt khác, đây cũng là một trong số ít dự án tại TP.HCM đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tọa lạc tại trung tâm hành chính Bình Chánh, khu phức hợp Westgate không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn cung giá trị với gần 2.000 căn hộ mà còn sở hữu nhiều lợi thế về vị trí, kết nối nhờ được đẩy mạnh đầu tư công.

Tương tự loạt dự án được xác định đủ pháp lý để bán hàng, có giá thành phù hợp với nhu cầu ở thực như Khu dân cư Phước Thiện, chung cư Picity quận 12, căn hộ Phú Xuân, loạt căn hộ Bcons, căn hộ Akari City, căn hộ Flora Mizuki… đều ghi nhận lượng giao dịch tốt trong các tháng vừa qua. Phần lớn sản phẩm đều đánh vào nhu cầu mua ở thực và rơi vào tầm giá trên dưới 40 triệu đồng/m2, phù hợp với tài chính gia đình trẻ.

Dự báo về thị trường BĐS, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, BĐS là một kênh đầu tư an toàn được người dân Việt Nam ưa chuộng. Vậy nên càng dịch bệnh người dân càng chọn BĐS là một kênh trú ẩn, đầu tư an toàn và dài hạn. Đây là điều khiến thị trường BĐS nhanh chóng hồi phục khi mà các địa phương nới lỏng giãn cách.

Theo Batdongsan.com

Link gốc: https://batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/nhieu-luc-day-de-thi-truong-tp-hcm-phuc-hoi-nhanh-sau-dich-ar107763


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng