Những Chuyển Biến Của Người Mua Thực Khi Giá Nhà Tăng Cao

Giá nhà tăng quá cao đã khiến khả năng tiếp cận nhà ở của đại bộ phận dân chúng ngày càng khó khăn. Nhiều người mua ở thực đã có sự thay đổi trong kế hoạch mua nhà trước bối cảnh “bão giá”.

Khả Năng Tiếp Cận Nhà Ở Của Người Dân Ngày Càng Khó Khăn

Việc sở hữu nhà ở của đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là ở khu vực thành thị như Hà Nội, TP.HCM ngày càng thách thức trước thực trạng mặt bằng giá liên tục bị đẩy lên cao. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, tốc độ tăng giá của bất động sản Việt Nam đang thuộc top đầu thế giới, dẫn đến hệ quả là khả năng mua nhà của người dân ngày càng khó. Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn dẫn chứng, từ năm 2019 đến năm 2024, bất động sản Việt Nam tăng giá 59% trong 5 năm. Mức tăng này cao hơn hẳn các quốc gia phát triển là Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%), Singapore (37%)… Chính bởi mức tăng trên mà ông Quốc Anh cho biết, với giả thiết dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà, người dân Hà Nội sẽ phải làm việc trong 169 năm để mua một căn nhà mặt phố có giá rao bán trung bình ở mức 22,8 tỷ đồng/căn; cần 132 năm để mua được nhà riêng với giá rao bán trung bình nhà riêng hiện là khoảng 6,3 tỷ đồng/căn. Với căn hộ chung cư đang có giá rao bán trung bình là 3,1 tỷ đồng/căn, người dân cũng cần đến 23 năm.

Giá nhà tăng cao khiến việc sở hữu nhà của dân chúng ngày càng khó khăn. Ảnh: Dân Việt

Ông Lê Bảo Long, Giám đốc Giám đốc Marketing của Batdongsan.com.vn cho biết, do giá bất động sản tăng quá cao, 84% người mua vẫn phải đi vay. Những hộ gia đình có tổng thu nhập dưới 40 triệu đồng/tháng đang có tỉ lệ vay lớn nhất, chiếm đến 69%. Trong khi ở các hộ gia đình có tổng thu nhập 41-70 triệu đồng/tháng thì tỉ lệ vay là 18%, từ 71-100 triệu đồng/tháng thì tỉ lệ vay là 9%. Với một hộ gia đình có tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng thì tỉ lệ vay chỉ là 4%.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, người dân có thu nhập trung bình đang ngày càng khó khăn trước thực trạng giá nhà liên tục tăng. Hiện nay, các dự án sơ cấp ra hàng đều có giá bán cao, từ 60 triệu đồng/m2 trở lên. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân tháng của lao động tại Hà Nội trong quý 3/ 2024 là 10,7 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng thu nhập của một hộ gia đình Hà Nội sẽ rơi vào khoảng 21,4 triệu đồng/tháng. Với mức giá sơ cấp căn hộ hiện nay, để có thể mua một căn hộ tại Hà Nội, tùy thuộc vào khu vực, người mua cần có mức thu nhập tối thiểu dao động từ 45 triệu đến 210 triệu đồng/tháng,.

Những Cuộc Chuyển Hướng Của Người Mua Ở Thực

Chị Nguyễn Huyền Mai, nhân viên văn phòng đang làm việc tại Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng chị đã gác lại ý định mua nhà từ hai năm nay khi giá nhà liên tục leo thang và chọn phương án đi thuê. Gần đây, hai vợ chồng chị xác định sẽ không mua nhà tại Hà Nội mà tiếp tục đi thuê. Khi đã có tuổi và con cái đã trưởng thành, vợ chồng chị sẽ quay về quê ở. “Vợ chồng tôi không thuộc nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội, chỉ có thể mua nhà ở thương mại. Nhưng giá nhà ở thương mại hiện nay, dù là nhà cũ hay nhà mới đều quá cao. Nếu vay mua thì hai vợ chồng phải vay đến 70% giá trị căn nhà. Trong khi đó, tổng thu nhập của hai vợ chồng là gần 35 triệu đồng/tháng, hai con ăn học tại Hà Nội rất tốn kém. Bố mẹ hai bên ở quê đều già, ốm đau nhiều và không có thu nhập. Một tháng chúng tôi tiết kiệm được rất ít, có tháng còn bị âm tiền khi phát sinh ốm đau nên việc mua nhà sẽ là áp lực rất lớn với vợ chồng tôi. Chính bởi vậy, đi thuê là phương án tốt nhất”, chị Mai chia sẻ.

Nhiều người mua ở thực đã có sự thay đổi trong kế hoạch mua nhà trước bối cảnh “bão giá”. Ảnh: Đại đoàn kết

Bên cạnh những khách hàng chọn thuê nhà thay vì mua nhà, thì nhiều người mua thực đã hạ thấp các tiêu chí tìm nhà . Anh Đoàn Văn Hưng, môi giới căn hộ chung cư phía Tây Hà Nội cho biết, giá nhà tăng quá cao khiến rất nhiều khách hàng anh tư vấn trong thời gian qua, sau khi tìm hiểu đã hạ thấp các tiêu chí và khu vực tìm kiếm. Anh Hưng cho biết: “Có khách khi tìm nhà ban đầu chỉ khoanh vùng khu vực Cầu Giấy và Thanh Xuân nhưng khi thấy giá nhà hai quận này quá cao đã buộc phải chuyển sang chọn nhà ở quận Hà Đông hoặc Hoài Đức. Ngoài ra, nhiều khách hàng thay vì tìm mua căn hộ ở phân khúc trung cấp như dự định ban đầu đã chấp nhận mua các dự án ở phân khúc thấp hơn, buộc phải đi xa hơn, có tiện ích và tiện nghi ít hơn”.

Nhìn nhận về thực tế trên, ông Đính cho rằng, tùy vào khẩu vị đầu tư và lối sống, một số người sẽ vẫn chọn tiết giảm chi phí sinh hoạt, chấp nhận rủi ro để mua nhà sớm, chấp nhận vay ngân hàng và chịu áp lực tài chính. Nhóm người mua này sẽ đối mặt với khá nhiều điều không thể lường trước như suy giảm kinh tế có thể khiến thu nhập người mua nhà giảm, làm giảm khả năng chi trả hoặc tăng áp lực trả nợ đối với những người đã vay vốn. Lãi suất ngân hàng không cố định, và trong một số giai đoạn, việc điều chỉnh lãi suất làm khoản vay mua nhà trở nên đắt đỏ hơn, có thể khiến họ không thể đáp ứng việc chi trả cho các khoản trả góp. Bên cạnh đó, một số khác sẽ chọn phương án chờ đợi hoặc thuê nhà để linh hoạt hơn trong tài chính. Ngoài ra, cũng không ít khách hàng hạ các tiêu chí tìm nhà để có thể sớm sở hữu một chỗ an cư.


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng