Thông tin tổng quan về Phú Quốc, thành phố biển đầu tiên của Việt Nam

Phú Quốc là thành phố đảo thuộc tỉnh Kiên Giang. Với diện tích 589,27km2, đây là hòn đảo lớn nhất và cũng là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.

Xét về vị trí địa lý và các tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thành phố Phú Quốc không hề thua kém Nha Trang hay Phan Thiết.

Điều kiện địa lý

Đảo Phú Quốc nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam, trải dài từ 9°53′ đến 10°28′ độ Vĩ Bắc và từ 103°49′ đến 104°05′ độ Kinh Đông. Phú Quốc cách thành phố Rạch Giá 120km, cách thành phố Hà Tiên 45km. Bao quanh Phú Quốc là biển, các mặt bên tiếp giáp với Malaysia, Thái Lan, Campuchia. Vì thế, thành phố đảo này được đánh giá là có vị trí chiến lược quan trọng trong quốc phòng và phát triển kinh tế.

vị trí thành phố đảo phú quốc
Vị trí thành phố đảo Phú Quốc trên bản đồ.

 

Về địa hình, nhìn chung, đảo ngọc Phú Quốc có địa hình hơi thoải, chạy dọc theo chiều từ Bắc xuống Nam, rải rác khắp khu vực có 99 ngọn núi đồi và cụm đảo nhỏ.

Về khí hậu, nơi đây nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa mát mẻ, nhiệt độ trung bình khoảng 35 độ C vào mùa khô (tháng 4 và 5) và 27-28 độ C vào mùa mưa, lượng mưa đạt 190mm/tháng.

Hành chính

Phú Quốc được một người Hoa tên là Mạc Cửu tìm ra năm 1671, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Phú Quốc trở thành một vùng đất phồn vinh nhờ thừa hưởng nhiều yếu tố thuận lợi.

Thành phố Phú Quốc được chính thức thành lập ngày 1/1/2021, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã Thổ Châu, Hàm Ninh, Gành Dầu, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm.

Theo số liệu thống kê năm 2019, Phú Quốc có diện tích tự nhiên 589,23km2, xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore, dân số ước tính 179.480 người, mật độ dân số trung bình khoảng 305 người/km2.

Kinh tế

Trước khi được công nhận là thành phố đảo năm 2021, Phú Quốc đã phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch. Về kinh tế, địa phương phát triển mạnh về dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch, xây dựng – bất động sản, tài chính ngân hàng, canh tác hồ tiêu, công nghiệp và công nghệ cao.

Hồ tiêu là một loại gia vị đặc sản nổi tiếng và có giá trị kinh tế cao ở Phú Quốc. Do nhu cầu của thị trường, người dân nơi đây đã dùng tiêu đen tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu sọ. Loại tiêu này thơm ngon và đắt tiền nhất. Hồ tiêu được trồng ở Phú Quốc với diện tích trung bình 471 ha, tập trung ở 3 xã Dương Tơ, Cửa Cạn, Cửa Dương. Năng suất tiêu trung bình là 2.000-3.000 kg/ha, mật độ trồng từ 2.500-3.000 nọc/ha. 

vườn hồ tiêu phú quốc
Phú Quốc được mệnh danh là vương quốc hồ tiêu.

Khi nói đến những điều đặc biệt mang thương hiệu Phú Quốc, không thể không nhắc đến giống chó Phú Quốc, loài chó có nhiều đặc điểm rất khác biệt so với những loài chó khác ở nước ta. Chó Phú Quốc có bờm lông dựng đứng và xoáy trên lưng, chân dài, dáng người thon gọn, sức khỏe tốt. Về đặc tính, chó Phúc Quốc rất thông minh, tự lập, có khả năng săn mồi rất tốt.

Đặc sản ẩm thực

Thành phố Phú Quốc có nhiều món ăn đặc sản như nước mắm, còi biên mai, khô cá thiều, hồ tiêu, rượu sim, rượu hải mã, rượu mỏ quạ, ngọc trai, hải sản, điều, cá bớp, cá trích…

Các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Phú Quốc

  • Vườn quốc gia Phú Quốc

  • Khu bảo tồn biển Phú Quốc
  • An Thới: Bãi Khem, Nhà Lao Cây Dừa, Mũi Ông Đội, Bãi Vịnh Đầm, Bãi Sao, Bãi Xếp Lớn, Bãi Xếp Nhỏ, Núi Cô Chín, Núi Radar, Bãi Đất Đỏ
  • Quần đảo An Thới: Hòn Thơm, Hòn Dừa, Hòn Rỏi, Hòn Đụn, Hòn Gầm Ghì, Hòn Mây Rút, Hòn Kim Qui, Hòn Dăm, Hòn Xưởng
  • Dương Đông: Suối Đá Bàn, Dinh Cậu
  • Bãi Trường
  • Rạch Tràm
  • Rạch Vẹm
  • Bắc Đảo: Bãi Thơm, Gành Dầu, Vườn thú bán hoang dã Phú Quốc, Bãi Dài
  • Làng chài Hàm Ninh: Bãi Vòng, Suối Tranh
  • Vinpearl Safari Phú Quốc (vườn thú bán hoang dã đầu tiên của Việt Nam)
  • Công viên giải trí VinWonders Phú Quốc 50ha (Khu vui chơi lớn nhất Châu Á)
  • Đảo sim (Sim Island Phú Quốc)
  • Cáp treo Hòn Thơm

Hạ tầng, giao thông

Hiện nay, thành phố Phú Quốc có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hiện đại, kết nối thuận tiện với các khu vực trong và ngoài nước như cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, sân bay Phú Quốc. Các trục đường chính trên đảo cũng được đầu tư và hoàn thiện theo tiêu chuẩn cao.

Phương tiện đến Phú Quốc chủ yếu bằng máy bay, tàu cao tốc và phà. Từ Rạch Giá hay Hà Tiên đến Phú Quốc, người dân có thể đi bằng tàu cao tốc hay phà. Trung bình mỗi ngày có 12 chuyến cao tốc, 10 chuyến tàu phà vận chuyển hành khách, hàng hóa, phương tiện giao thông đến Phú Quốc và ngược lại. Đường hàng không với sân bay quốc tế Phú Quốc hiện kết nối với nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Vinh, Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Thanh Hóa với hơn 60 chuyến bay/ngày.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được khánh thành và đưa vào khai thác từ ngày 15/12/2012 có diện tích 60.000m2, với cơ sở hạ tầng hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, công suất phục vụ 2,65 triệu khách/năm. Theo quy hoạch đến năm 2030, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có khả năng tiếp nhận 20 máy bay trong giờ cao điểm, 27.600 tấn hàng hóa mỗi năm, công suất 7 triệu khách/năm. Dự án nhằm đưa Phú Quốc trờ thành khu kinh tế hành chính du lịch, trung tâm tài chính ngân hàng và là đầu mối giao thông quan trọng kết nối trực tiếp vùng đồng bằng sông Cửu Long với các thành phố lớn trong khu vực châu Á. Theo định hướng phát triển, sân bay Phú Quốc sẽ góp phần phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển tầm cỡ khu vực và quốc tế. Hiện nay, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có các đường bay thẳng đến các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cam Ranh, Rạch Giá, Cần Thơ và một số nước như Nga, SiemRiep, Singapore… với khoảng 50 chuyến đến và đi mỗi ngày. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ mở thêm các đường bay trực tiếp đến Malaysia, Thái Lan, HongKong và 1 số nước Bắc Á, Tây Âu, Đông Âu.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

 

Cảng biển quốc tế Phú Quốc

Cảng biển quốc tế Phú Quốc nằm tại thị trấn Dương Đông, phía Tây Nam của Phú Quốc, cách sân bay quốc tế Phú Quốc 17km về phía Tây Bắc. Cảng biển quốc tế Phú Quốc được khởi công vào tháng 4/2015, nhằm mục đích tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải lên tới 225.000GT, sức chở 5.000-6.000 hành khách. Công trình còn mang ý nghĩa trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đảo, đặc biệt là du lịch và dịch vụ. Trong thời gian tới, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các cơ sở dịch vụ - du lịch sẽ đón lượng lớn du khách trên những chuyến tàu, hãng tàu lớn cập cảng quốc tế này. Hiện dự án đã hoàn thành 75% khối lượng công việc với tổng giá trị 1.200 tỷ đồng/1.645 tỷ đồng.

Đường trục Bắc – Nam

Đường trục Bắc – Nam là tuyến đường được xây dựng theo quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc được duyệt, đáp ứng theo yêu cầu nối thông phía Bắc và phía Nam đảo Phú Quốc nhằm phát triển kinh tế - xã hội và an ninh – quốc phòng. Tuyến đường có tổng chiều dài 24,5km, chia thành 2 đoạn: đoạn Dương Đông – Suối Cái dài 12,4km có chiều rộng mặt đường 15m và đoạn Suối Cái – Bãi Thơm dài 12km, có chiều rộng mặt đường 7,5m. Trên tuyến xây dựng mới 5 cây cầu bê tông cốt thép, 7 cống tròn và 46 cống hộp bằng bê tông cốt thép.

Đường vòng quanh đảo Phú Quốc

Dự án gồm 8 tuyến đường và 1 cây cầu dài 99,5km với tổng mức đầu tư 3.011,8 tỷ đồng. Đường vòng quanh đảo đi qua thị trấn An Thới, Dương Tơ, men theo đường bờ biển phía Đông của đảo đến Bãi Thơm, Gành Dầu và thị trấn Dương Dương.

Bên cạnh đó, Phú Quốc còn có bến phà Thạnh Thới và một số tuyến đường khác đang được nâng cấp và mở rộng trong thời gian tới.

Về hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, có thể kể đến như: Dự án điện cáp ngầm 110Kv xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả; nâng cấp hồ Đông Dương và hệ thống cấp nước Phú Quốc; xây dựng thêm các đô thị mới, các khu dân cư…

Nhiều dự án du lịch, vui chơi giải trí đã được đưa vào khai thác như: Khu Vinpearl, vườn thú Safari, cáp treo An Thới – Hòn Thơm, công viên VinWonders…

Thị trường bất động sản thành phố Phú Quốc

Thành phố đảo Phú Quốc được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều bãi biển tuyệt đẹp, hệ sinh thái đa dạng, rừng nguyên sinh rộng lớn cùng những lợi thế về khí hậu… rất thích hợp để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng và các dịch vụ giải trí liên quan như casino, du lịch, khám phá. Đặc biệt, Phú Quốc sở hữu vị thế vô cùng thuận lợi, có diện tích gần tương đương quốc đảo Singapore, cách thủ đô các nước trong khối ASEAN chỉ khoảng 2 giờ bay, hội tụ đủ tiềm năng phát triển dài hạn về nhiều mặt.

Tháng 9/2014, Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II, hàng loạt chính sách thu hút đầu tư, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn được đầu tư hoàn thiện. Tiêu biểu là sân bay quốc tế Dương Tơ, cảng An Thới, hệ thống giao thông trên đảo. Đáng kể nhất là tuyến cáp ngầm xuyên biển nối từ Hà Tiên giúp Phú Quốc trở thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại thời điểm đó, hàng loạt các ông lớn bất động sản đều góp mặt tại Phú Quốc, kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng hạng sang.

Trong giai đoạn 2017-2019, thị trường bất động sản Phú Quốc bị nhiễu loạn trước thông tin lên đặc khu kinh tế, gây nên tình trạng sốt ảo buộc các cơ quan ban ngành phải vào cuộc. Lệnh dừng phân lô tách nền được ban hành nhằm kiểm soát tình hình, thị trường bước vào giai đoạn trầm lắng. Sang năm 2020, Việt Nam gánh chịu 2 đợt dịch Covid-19 vào tháng 2 và tháng 7. Đối mặt với dịch bệnh, cộng thêm giãn cách xã hội khiến lượng giao dịch từ bất động sản giảm, thị trường bất động sản Phú Quốc đã trầm lắng lại càng trở nên trầm lắng hơn.

Ngày 1/1/2021, Phú Quốc chính thức trở thành thành phố biển đảo đầu tiên ở nước ta. Sự kiện này là tiền đề cho sự khởi sắc của thị trường bất động sản Phú Quốc, số lượng nhà đầu tư quan tâm đến thị trường địa ốc nơi đây tăng đột biến. Các nhà đầu tư thường nhắm tới các loại hình du lịch nghỉ dưỡng như timeshare, homestay, biệt thự, condotel, bungalow… và đầu tư hệ sinh thái du lịch "all in one".

Nhìn chung, thị trường bất động sản Phú Quốc có nhiều điểm tích cực, phát huy được những lợi thế sẵn có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế cần được khắc phục như thiếu cơ sở lưu trú hạng sang, số lượng cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao còn khá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách vào mùa cao điểm. Phú Quốc cũng mới tập trung phát triển hạ tầng cho khu vực Dương Đông mà chưa chú trọng vào các khu vực khác

Theo Batdongsan.com.vn


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng