Vốn đầu tư FDI vào Bình Phước tăng mạnh - cơ hội cho thị trường bất động sản
Nhờ vị trí chiến lược quan trọng, hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn… Bình Phước đang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Thu hút vốn FDI trong năm 2021 tăng gấp 3 lần
Theo UBND tỉnh Bình Phước, năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn lại tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Cụ thể, năm 2021 tỉnh đã thu hút được 70 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn 600 triệu USD, tăng gấp 2 lần về số dự án và 3 lần về số vốn so với năm 2020. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 3,579 tỷ USD. Cùng với đó, trong năm 2021, tỉnh đã phê duyệt 100 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Bình Phước Trần Tuệ Hiền, có được kết quả này, lãnh đạo tỉnh luôn coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh. "Với nền tảng 4 tốt" hiện nay là hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt", Bình Phước luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh. Tỉnh luôn sát cánh và đồng hành với doanh nghiệp; lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh tại Bình Phước.
Cùng với nhiều chính sách ưu đãi và mời gọi nhà đầu tư tầm cỡ, tỉnh Bình Phước đã và đang nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới. Bình Phước có nhiều tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, đất đai và giao thông thuận tiện. Đây thật sự là điều kiện tốt để có thể tăng cường hơn nữa thu hút đầu tư nước ngoài.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có vị thế chiến lược, thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất công nghiệp. Vì vậy, phát triển Bình Phước thành trung tâm công nghiệp hiện đại, thu hút mạnh đầu tư nguồn vốn FDI là mục tiêu chiến lược của lãnh đạo tỉnh trong những năm gần đây.
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp đến Bình Phước chủ yếu chỉ đầu tư các lĩnh vực da giày, dệt may - nhuộm… để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ thì nay đầu tư đa dạng hơn, hướng đến các lĩnh vực công nghệ cao. Hiện nay, tỉnh tiếp tục có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với danh mục 80 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số vốn hơn 2 tỷ USD. Ðịnh hướng thu hút đầu tư của tỉnh là các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics…
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để thu hút đầu tư, BĐS hưởng lợi
Bình Phước là tỉnh rộng nhất vùng Đông Nam Bộ với diện tích lớn nhất trong 19 tỉnh thành phía Nam, sở hữu 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng. Để khai thác tối đa những lợi thế về vị trí của Bình Phước và quỹ đất cho khu công nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được quy hoạch và từng bước đầu tư đồng bộ.
Trong đó, điển hình như cao tốc Tp.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng; tuyến Ðồng Phú - Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư với tổng vốn đầu tư 948,6 triệu USD; quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tổng kinh phí đề xuất nâng cấp là 280 tỷ đồng. Cùng với đó là phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt… nhằm tạo lợi thế cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong vùng và các nước trong khu vực.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì làm việc với UBND các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 (kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành) và cầu Mã Đà. Ðây là chủ trương lớn gỡ nút thắt để Bình Phước kết nối với Ðồng Nai và sân bay quốc tế Long Thành. Theo quy hoạch mạng lưới thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường ĐT.753 được quy hoạch nâng cấp lên thành Quốc lộ 13C đi từ Đồng Xoài, Bình Phước đến Trảng Bom, Đồng Nai. Tháng 7/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bình Phước cũng dự kiến khởi công mới dự án như: Xây dựng đường giao thông phía Tây QL.13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư; nâng cấp đường QL.13 đoạn Liên ngành – Hoa Lư; xây dựng đường ĐT.753B kết nối với đường Đồng Phú - Bình Dương; xây dựng cầu kết nối Long Tân (huyện Phú Riềng) – Tân Hưng (huyện Hớn Quản).... Ngành GTVT còn chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư theo hình thức BOT như: Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT741, dự án BOT đường Đồng Phú – Bình Dương.
Các dự án sau trên khi hoàn thành sẽ kết nối hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kết nối các tuyến ĐT.741, QL.13, QL.14 nhằm hình thành khu vực tam giác phát triển, năng động bậc nhất của tỉnh là Đồng Phú – Đồng Xoài - Chơn Thành. Điều này đang tạo bước tiên phong và đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn khu vực nói chung và toàn tỉnh nói riêng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản Bình Phước sôi động thời gian qua là do tỉnh này đang chủ trương dồn lực vào phát triển hạ tầng giao thông với nhiều dự án được đầu tư, quy hoạch bài bản và các tuyến cao tốc sắp hình thành trong tương lai. Khi các tuyến cao tốc được hình thành và đưa vào hoạt động sẽ mang đến nhiều lợi thế phát triển hơn nữa cho khu vực, các giao dịch thậm chí sẽ còn tăng nhiệt tiếp tục trong thời gian tới. Bên cạnh đó, mặt bằng giá BĐS còn thấp, cũng là lợi thế của tỉnh này, đón đầu được các nhà đầu tư "nhanh nhạy" về đầu tư.
Theo CafeF
Xem thêm