Bức tranh thị trường nhà ở toàn cầu giai đoạn 2022 - 2027

Thị trường nhà ở toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 9% trong giai đoạn 5 năm tới, bất chấp các tác động của đại dịch và suy thoái kinh tế.

Thị trường nhà ở toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 9% trong giai đoạn 5 năm tới, bất chấp các tác động của đại dịch và suy thoái kinh tế.

Bức tranh thị trường nhà ở toàn cầu giai đoạn 2022 - 2027

 

Bức tranh toàn cảnh

Thị trường nhà ở trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo nhiều hướng khác nhau. Các lệnh phong tỏa và làm việc từ xa làm tăng nhu cầu về nhà ở, trong khi chính sách tiền tệ, nhất là giảm lãi suất, đã cải thiện khả năng chi trả cho nhà ở. Ở chiều ngược lại, suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tạo ra những tác động tiêu cực lên nhu cầu sở hữu nhà. Do các hoạt động xây dựng và giao dịch nhà ở bị dừng lại suốt thời gian dài trong năm 2021, ngay sau khi các hạn chế được nới lỏng, thị trường nhà ở đã bật tăng mạnh.

Thị trường nhà ở là nền tảng của sự thịnh vượng tại bất kỳ nền kinh tế nào. Mái ấm được coi là nhu cầu cơ bản của con người và nằm ở đáy của tháp nhu cầu Maslow. Do đó, cách thức mà thị trường nhà ở hoạt động có tác động lan tỏa đến mọi tầng lớp cư dân trên toàn thế giới.

Các loại hình nhà ở như căn hộ, bungalow và biệt thự đang được giao dịch rộng khắp. Trong đó, quá trình đô thị hóa đã thúc đẩy thị trường nhà ở tại các quốc gia mới nổi. Các thành phố lớn tại những quốc gia này như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Argentina và Nam Phi, đang mở rộng nhanh chóng và cần thêm nhà ở để đáp ứng nhu cầu của người dân di cư từ các khu vực khác tới.

Thêm vào đó, các biện pháp của chính phủ nhằm thúc đẩy nhà ở giá rẻ càng kích thích thị trường mở rộng hơn nữa. Các nước Úc, Hoa Kỳ và Canada đã lên kế hoạch hỗ trợ người mua nhà lần đầu, trợ cấp cho người yếu thế, chương trình nhà ở giá rẻ, giảm thuế giao dịch… tất cả sẽ giúp thị trường nhà ở tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Lãi suất thế chấp thấp cũng là một yếu tố khác khiến thị trường nhà ở tại các nước như Mỹ, Canada, Ấn Độ, Úc… phát triển.

Đô thị hóa thúc đẩy thị trường nhà ở

Ngày nay, khoảng 55% dân số thế giới, tương đương với 4,2 tỷ người, sống ở các thành phố. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới. Đến năm 2050, khi dân số đô thị tăng hơn gấp đôi quy mô hiện tại, gần 7/10 người trên thế giới sẽ sống ở các thành phố.

Hầu hết quá trình đô thị hóa này đang diễn ra ở các nước đang phát triển tại những thành phố như Lagos, Bangalore, Bắc Kinh và nhiều thành phố của châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh khác. Theo dự kiến, Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria sẽ chiếm 35% mức tăng trưởng dân số đô thị trên toàn cầu.

Với hơn 80% GDP trên toàn cầu được tạo ra ở các thành phố, đô thị hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng bền vững nếu được quản lý tốt bằng cách tăng năng suất, thúc đẩy sáng kiến ​​và ý tưởng mới. Tuy nhiên, tốc độ và quy mô đô thị hóa lại đẩy nhanh nhu cầu về nhà ở giá rẻ.

Trong những năm gần đây, chính phủ Úc đã cho phép xây dựng thêm nhà ở tại các khu vực có mật độ thấp ở hành lang tăng trưởng của các thành phố lớn. Kết quả là, số lượng người mua nhà lần đầu tại các thành phố tăng lên, chủ yếu là căn hộ chung cư với 30% số nhà ở Sydney thuộc loại hình này.

Do sự phát triển của các thành phố cấp 2 và cấp 3 trên khắp các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc…, nhu cầu nhà ở tại các thành phố này cũng tăng mạnh.

Tỷ lệ sở hữu nhà ở tăng do lãi suất giảm

Lãi suất cho vay thế chấp cũng ảnh hưởng đến thị trường nhà ở thông qua chi phí tài trợ cho việc mua nhà. Tại Mỹ, hầu hết người dân vay thế chấp để mua nhà, nợ thế chấp của thị trường nhà ở tại đây chiếm khoảng 70% tổng số nợ hộ gia đình. Việc giảm lãi suất tích cực và nới lỏng quy định của Cục Dự trữ Liên bang đã làm giảm lợi suất trái phiếu kho bạc, đồng thời cũng làm giảm lãi suất thế chấp.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng sự bùng nổ nhà ở hiện nay xuất hiện từ sự kết hợp giữa lãi suất thấp và các nút thắt cung - cầu. Đây không phải là điều có thể cải thiện ngay lập tức nhờ ban hành các chính sách.

Các ngân hàng tại Mỹ cho vay khoảng 1.610 tỷ USD để mua nhà vào năm 2021, tăng khoảng 9% so với năm 2020. Tăng trưởng việc làm ổn định, thị trường chứng khoán ở mức cao nhất mọi thời đại, giá thuê tăng và kỳ vọng lãi suất thế chấp cao hơn cũng đã thúc đẩy người dân mua nhà nhiều hơn.

Lãi suất thấp kỷ lục đã làm tăng nhu cầu mua nhà và nhu cầu này ​​sẽ tiếp tục cao hơn vào năm 2022. Từ đó, thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển nóng hơn nữa.

Theo CafeLand


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng