Bùng nổ các dự án nghìn tỷ ở Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ

Cùng với thông tin lên thành phố, việc các doanh nghiệp lớn đổ vốn làm loạt siêu dự án từ vài nghìn đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả tỷ USD tại các địa phương giúp BĐS huyện Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ 'dậy sóng'.

 

Ba huyện muốn lên thành phố

Khác với định hướng lên quận như Nhà Bè và Hóc Môn, ba huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi đều định hướng phát triển lên thẳng thành phố trong giai đoạn tới.

Các huyện đều có vị trí cửa ngõ thành phố, kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Đồng thời, đây cũng là ba địa phương có diện tích lớn nhất tại TP HCM, lần lượt là Cần Giờ (705,2 km2), Củ Chi (435 km2) và Bình Chánh (253 km2).

Hiện tại, Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí lên quận/thành phố nhất với 26/30 tiêu chí, Củ Chi 23/30, Cần Giờ đạt 19/30.

Bùng nổ các dự án nghìn tỷ ở Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ - Ảnh 1.

Ba huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi ở TP HCM muốn lên thẳng thành phố.

Những năm qua, ba huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh, với nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành.

Tại Bình Chánh, dòng vốn chảy vào các dự án hạ tầng trọng điểm đến nay ước chừng khoảng 5 tỷ USD. Đơn cử như dự án Metro 3A Bến Thành - Tân Kiên 68.000 tỷ đồng, QL50 gần 1.500 tỷ đồng; mở rộng QL1A quy mô 3.353 tỷ đồng; đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh;...

Ngoài ra còn có cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận hơn 22.000 tỷ đồng; tuyến buýt nhanh BRT số 1 trị giá gần 3.300 tỷ đồng;...

Với Cần Giờ, những năm qua TP HCM cũng tập trung thu hút đầu tư vào hạ tầng huyện. Một số công trình đã và sắp đi vào hoạt động như tuyến đường từ phà Bình Khánh về trung tâm thị trấn Cần Thạnh; cao tốc TP HCM - Vũng Tàu; cao tốc Bến Lức - Long Thành qua Cần Giờ;...

Bên cạnh đó, loạt dự án được đề xuất đầu tư như cầu Cần Giờ và ba cây cầu khác trị giá 10.000 tỷ đồng (dự kiến khởi công năm 2024); cao tốc liên Vùng Phía Nam; đường nối đường Lương Văn Nho với đường Duyên Hải; đường nối đường Lương Văn Nho với đường Giồng Ao; đường và cầu liên xã Bình Khánh - An Thới Đông - Lý Nhơn - Long Hòa 1.800 tỷ đồng;...

Riêng tại huyện Củ Chi, ngoài các tuyến đường đã hoạt động như QL22, tỉnh lộ 2, 7, 8, 9,15; TP HCM đang thúc đẩy khép kín Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, khởi động đường ven sông Sài Gòn; mở rộng Tỉnh lộ 9 (đường Hà Duy Phiên) kết nối Bình Dương với Hóc Môn....

Đồng thời, nhiều chuyên gia cho rằng, Củ Chi cũng cần có đường kết nối xuyên suốt từ đông sang tây, hình thành các cảng và trung tâm logistics. Trung tâm này sẽ kết nối các khu công nghiệp của Bình Dương, Tây Ninh, Long An... và tạo dịch vụ hậu cần cho TP.

Nhiều dự án đã và đang hình thành

Cùng với thông tin lên thành phố, gần đây ba huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi liên tục thu hút dòng vốn từ các ông lớn BĐS đổ về, cùng nhiều đại dự án được phê duyệt đầu tư làm cho giá đất tại các thị trường này tăng nóng.

Bùng nổ các dự án nghìn tỷ ở Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ - Ảnh 2.

Một số dự án nổi bật trong tương lai tại Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ.

Đơn cử như một lô đất tại Củ Chi từ tháng 1 có giá 750 triệu đồng, giờ được đẩy lên 1,4 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại vì các lô xung quanh đã bán giá 1,6 tỷ đồng. Khảo sát trên các diễn đàn, thị trường đất nền huyện Bình Chánh cũng sôi động trở lại, tăng từ 10 - 30% trước thông tin nâng cấp hành chính.

Các dự án tại Bình Chánh

Tại huyện này, những năm qua chỉ xuất hiện một số dự án BĐS của các chủ đầu tư như Hưng Thịnh, An Gia, Nam Long, Khang Điền, TTC Land… Trong khi, đa phần là các dự án đất nền phân lô nhỏ lẻ đã hình thành trước đó.

Một vài dự án chung cư có thể kể đến như: Sài Gòn Mia (1,5 ha) và Citizen Trung Sơn của Hưng Thịnh, Mizuki Park của Nam Long (26 ha), Lovera Vista Khang Điền (1,8 ha), Lovera Vista, West Gate của An Gia (3,1 ha);...

Gần đây, FLC đã đề xuất xây khu phức hợp xanh Smart Eco City tại huyện Bình Chánh với quy mô hơn 1.150 ha, tổng mức đầu tư 80.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, dự án sẽ có tòa tháp Landmark 99 tầng - tòa tháp có kế hoạch xây dựng cao nhất ở TP HCM, vượt qua Landmark 81 tầng hiện tại Bình Thạnh và Empire City 88 tầng đang xây dựng tại Thủ Thiêm. Giai đoạn tới, Nam Long cũng sẽ tiếp tục phát triển khu đô thị Mizuki - Nguyên Sơn diện tích 37 ha.

Không chỉ có nhiều dự án chung cư, đô thị, BĐS Bình Chánh gần đây đã tăng nhiệt so với các huyện còn lại khi quy tụ nhiều KCN trọng điểm.

Huyện sở hữu ba khu công nghiệp quy mô lớn bậc nhất TP HCM tính đến thời điểm này gồm: KCN Lê Minh Xuân và Lê Minh Xuân mở rộng (hơn 800 ha, quy mô lớn thứ hai), KCN Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc mở rộng (500 ha, đứng thứ 4), KCN An Hạ (150 ha, thứ 10). Ngoài ra còn một số dự án KCN nhỏ lẻ khác như KCN Tân Tạo, Phong Phú,....

Mới đây, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung KCN Phạm Văn Hai tại huyện Bình Chánh với quy mô gần 700 ha. Như vậy, với dự án này bổ sung, huyện chiếm đến gần 30% quỹ đất, vươn lên dẫn dắt và trở thành trọng điểm của thị phần công nghiệp TP HCM.

Bình Chánh cũng đang dồn lực hoàn thiện Cụm y tế kỹ thuật cao Tân Kiên rộng 74 ha gồm các bệnh viện: Nhi đồng TP HCM, Tai Mũi Họng cơ sở 2, Truyền máu Huyết học, Ung Bướu, Viện Tim thành phố (cơ sở 2) và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2).

Dự án được kỳ vọng sẽ hình thành mô hình viện - trường tại cửa ngõ Tây Sài Gòn, giảm tải các bệnh viện trong khu vực trung tâm thành phố, thu hút thêm lượng lớn chuyên gia y tế về sinh sống.

Các dự án tại Củ Chi

Huyện Củ Chi là địa phương có quỹ đất rộng nhưng hiện nay chỉ tập trung nhiều dự án đất nền như Vinhomes Củ Chi có diện tích khoảng 6.100 ha; Khu dân cư Thịnh Vượng 2 Residence Củ Chi quy mô 1 ha do CTCP An Cư Sài Gòn làm chủ đầu tư; Khu dân cư TVC Trần Văn Chẩm diện tích 1,1 ha do CTCP Địa ốc Xây dựng và Đầu tư Sài Gòn (SCTI) làm chủ đầu tư; The Residence 1, 2, 3 tổng quy mô 5,4 ha của CTCP Kim Tâm Hải;...

Ngoài ra, huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp như KCN Tây Bắc - Củ Chi rộng 387 ha; KCN Đông Nam rộng 342,5 ha, KCN Tân Phú Trung 542 ha, KCN Cơ khí ôtô rộng 100 ha... với hơn 1.000 doanh nghiệp.

Đáng chú ý nhất có dự án Khu đô thị Tây Bắc với diện tích 6.084 ha nằm trên địa bàn huyện Củ Chi và Hóc Môn.

Dự án được định hướng thành một trong khu đô thị vệ tinh, trung tâm về phía Tây Bắc của thành phố; đầu mối thương mại, dịch vụ, tài chính, khoa học, y tế, giáo dục, văn hóa...

TP đã không ít lần kêu gọi đầu tư vào nơi đây nhưng vì nhiều lý do KĐT Tây Bắc chưa được triển khai theo quy hoạch. Mới đây, UBND TP kiến nghị điều chỉnh giảm diện tích hơn 1.674 ha so với quy hoạch hiện nay, điều chỉnh quy mô dân số từ 300.000 lên 600.000 người cho toàn khu đô thị…

Hồi tháng 5/2021, trong buổi tiếp xúc xử tri huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phát triển địa bàn Củ Chi là đô thị sinh thái, có vai trò đối trọng với 14 quận nội thành; trong đó điểm nhấn là Khu đô thị Tây Bắc phải có quy hoạch tốt, ổn định cuộc sống người dân lâu dài, phát triển đô thị có hình dáng đô thị hiện đại sinh thái.

Đến thời điểm này, cùng với thông tin lên thành phố, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM cho biết sắp tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào hai huyện Củ Chi và Hóc Môn.

Theo kế hoạch, sẽ có 55 dự án được mời gọi đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 285.000 tỷ đồng; tương đương 12,4 tỷ USD.

Đồng thời, tại hội nghị sẽ diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ đầu tư gồm 16 dự án đăng ký với tổng giá trị 54.094 tỷ đồng.

Một số dự án tại Củ Chi sẽ được ký kết như Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư khu dân cư 6-4 tại khu đô thị Tây Bắc (2.000 tỷ đồng); Tập đoàn Surbana Jurong đầu tư khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái nhà vườn tại xã Trung An tổng mức đầu tư 25.300 tỷ đồng; Công ty TNHH Aeon Việt Nam với hệ thống thương mại; CTCP Tập đoàn Giáo dục Văn Lang dự án Khu đô thị đại học mức đầu tư 15.000 tỷ đồng; Tập đoàn Consumer với nhà máy giết mổ gia súc và hệ thống phân phối;...

Gần đây nhất, Tập đoàn FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư hai dự án tại huyện là Công viên Sài Gòn Safari quy mô hơn 456 ha và Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn quy mô hơn 910 ha tại hai xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng. Doanh nghiệp mong muốn khởi công dự án ngay trong quý III năm nay, dự kiến đưa vào vận hành trong 2025.

Các dự án tại Cần Giờ

Trong ba huyện muốn lên TP, Cần Giờ là địa phương có quỹ đất rộng nhất nhưng lại thiếu các dự án tiềm năng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch huyện cùng với dấu chân của vài "ông lớn" đã khiến BĐS nơi đây "nóng" dần.

Đáng chú ý nhất có siêu dự án đô thị lấn biển Vinhomes Long Beach Cần Giờ tại xã Long Hòa có tổng diện tích 2.870 ha; vốn đầu tư lên đến 10 tỷ USD.

Dự án được chia làm hai giai đoạn với 4 phân khu chức năng chính như HeartBay, LifeBay, EcoBay và BlueBay gồm loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn, condotel.

Dự án được khởi công vào năm 2021 và cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện. Dự kiến, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Vinhomes sẽ ra mắt thị trường những phân khu đầu tiên.

Một dự khác khác là La Maison De Cần Giờ - dự án thành phần thuộc khu dân cư nhà vườn du lịch Phước Lộc có quy mô 56,89 ha. Dự án do Công ty TNHH Xây dựng – Kinh doanh nhà Phước Lộc làm chủ đầu tư; gồm 246 căn nhà phố vườn và 388 biệt thự nghỉ dưỡng.

Hay như Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), cho biết doanh nghiệp đang phát triển các cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng dịch vụ du lịch tại Khu Du lịch sinh thái Cần Giờ, Khu Du lịch Vàm Sát, đồng thời đẩy mạnh phát triển khai thác các sản phẩm mới du lịch Cần Giờ theo tuyến đường bộ, đường sông, đường biển.

Một số dự án khu dân cư (KDC) như KDC Ấp Đồng Hòa, xã Long Hòa 70,91 ha; KDC Rạch Lá, xã An Thới Đông 123,25 ha; KDC An Nghĩa mở rộng có tổng diện tích 108,61 ha; KDC ấp Bình Phước, xã Bình Khánh 57,46 ha; KDC ấp Hòa Hiệp 24,86 ha; KDC thị trấn Quán Hàu 5,9 ha;...

Theo CafeF


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng