Chính phủ dự báo GDP năm 2023 chỉ đạt khoảng 5% năm 2024 khoảng 6-6
Sáng nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội.
Theo đó, các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội sẽ được cho ý kiến bao gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Trình bày Tờ trình Báo cáo tóm tắt Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” như hệ quả của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, tình trạng lạm phát kéo dài…, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế phục hồi, quý sau cao hơn quý trước; tiêu dùng tăng trưởng tích cực; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi NSNN được kiểm soát theo chỉ tiêu của Quốc hội.
Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh…
Chính phủ dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152.500 tỷ đồng). Về thương mại, cả năm 2023 Việt Nam ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Với năm 2024, Chính phủ đặt kế hoạch tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Dự kiến kế hoạch phát triển năm 2024 có 15 chỉ tiêu chủ yếu, về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5% ; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...
Bên cạnh kết quả đạt được, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể; thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Công nghiệp chế biến chế tạo từng được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm, hiện giờ suy giảm.
Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn; doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin và truyển thông, tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Đồng quan điểm với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rất toàn diện, sâu sắc, cũng như nhất trí với ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện Báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội sâu hơn về các vấn đề mà UBTVQH quan tâm.
Về tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh khó khăn nhưng với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã rà soát lại các phương án dự báo đạt khoảng 5% trong năm nay, và cho rằng tuy không đạt nhưng so với tình hình chung của thế giới, đây là kết quả rất đáng khích lệ và trân trọng. Và Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu, vì tinh thần chung của Chính phủ quyết tâm thực hiện cao nhất mục tiêu của năm nay và đang tập trung chỉ đạo thực hiện.
Về một số chỉ tiêu quan trọng, Chính phủ và các bộ ngành sẽ cố gắng đạt các chỉ tiêu về: tốc độ tăng trưởng và GDP bình quân đầu người, tỉ trọng công nghiệp, chế biến chế tạo trong GDP hay năng suất lao động, tỷ trọng lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội.
Về năng suất lao động của năm 2023, dự kiến thấp hơn mục tiêu đề ra. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thứ nhất là do tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta đạt thấp. Thứ hai là do sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn. Một bộ phân người lao động chuyển sang bộ phận dịch vụ phi chính thức với năng suất thấp hơn. Thứ ba, là do một bộ phận người lao động chuyển việc mới thì cần thời gian đào tạo lại nên đã ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này sẽ được Bộ tiếp tục làm rõ hơn trong báo cáo với Quốc hội.
Theo CafeF
Xem thêm