Đề xuất miễn tiền thuê nhà cho người dân, vậy còn tiền thuê mặt bằng sẽ ra sao trong thời gian giãn cách?
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch, việc miễn, giảm tiền thuê nhà, thuê mặt bằng là một chủ đề đang được quan tâm rộng rãi. Thời gian vừa qua, nhiều chủ nhà trên địa bàn TP. HCM, Bình Dương… đã quyết định giảm tiền thuê cho người lao động, sinh viên. Vậy còn bộ phận các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh? Liệu giá thuê mặt bằng được giữ nguyên hay giảm?
Vừa qua, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân đã đề xuất kêu gọi, vận động người cho thuê nhà miễn tiền trong thời gian phong toả dịch. Lý giải về điều này, ông Cường cho rằng sẽ hạn chế khó khăn, giúp người dân được yên tâm ở lại cách ly.
Vậy còn các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng để kinh doanh, liệu giá thuê giảm, giữ nguyên hay tăng trong giai đoạn này?
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã "đóng băng" phân khúc nhà cho thuê, mặt bằng cho thuê trên thị trường. Không chỉ người đi thuê, mà cả người cho thuê cũng bị tác động bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc giảm hay miễn tiền thuê nhà, thuê mặt bằng trên thực tế không thuộc quy định. Vì vậy, việc miễn, giảm tiền thuê cũng chỉ được áp dụng với một số trường hợp nhất định.
Số liệu của Colliers nêu rõ, tại TP. HCM, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại giảm 15% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 3,1 triệu đồng/m2/tháng còn 2,64 triệu đồng/m2/tháng, với tỷ lệ trống trung bình khoảng 1,5%.
Giá thuê trung bình ở khu vực ngoài trung tâm có mức giảm sâu hơn, khoảng 30% trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ 805.000 đồng/m2/tháng còn 563.000 đồng/m2/ tháng. Tỷ lệ trống trung bình khoảng 14%.
Tương tự như ở TP. HCM, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội cũng giảm nhẹ trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh. Cụ thể, trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê được ghi nhận giảm 10%, từ gần 2,5 triệu đồng /m2/tháng còn 2,25 triệu đồng/m2/tháng. Tỷ lệ trống trung bình khoảng 11%. Khu vực ngoài trung tâm giá thuê giảm với tỷ lệ trống trung bình khoảng 14.5%.
Dữ liệu khảo sát bởi Colliers
Về phân khúc nhà phố cho thuê, Colliers đánh giá, do tiềm lực của khách thuê nhà phố không mạnh như khách thuê tại khu trung tâm thương mại, do đó mức giảm giá thuê mặt bằng nhà phố giảm mạnh hơn so với giá thuê trung tâm thương mại.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường này, giá thuê mặt bằng nhà phố giảm từ ít nhất 20-50% so với giá trước khi diễn ra dịch bệnh ở cả TP. HCM và Hà Nội.
Liên quan đến những khó khăn chưa từng có của phân khúc nhà phố, mặt bằng bán lẻ, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội nhận định: "Ở thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm đã giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch. Nhờ đó có được mức kinh doanh và tăng trưởng ổn định. Giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể"
Đại diện Savills Hà Nội kết luận: "Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn".
Theo CafeF
Xem thêm