Mặt bằng cho thuê “thấp thỏm” chờ hồi sinh dịp Tết
Đến đầu tháng 11, giá thuê mặt bằng kinh doanh vị trí mặt tiền đường ở khắp khu vực trung tâm lẫn ngoại thành Tp.HCM đều tiếp tục giảm trung bình 20% và cao nhất 50%. Phân khúc này kì vọng sẽ “hồi sinh” khi hoạt động kinh doanh sẽ trở lại vào dịp Tết.
Giá giảm, mặt bằng trống vẫn còn nhiều
Sau hơn 2 tháng dỡ bỏ phong toả, giá thuê mặt bằng nhà phố, mặt bằng bán lẻ giảm 20-50% đến hết năm, song tỉ lệ trống vẫn còn khá nhiều.
Ghi nhận cho thấy, tình hình kinh doanh đã khả quan hơn thời điểm tháng 9 và 10/2021, nhưng tại các tuyến phố sầm uất của Q.1, Q.3,Q.10, Q.Phú Nhuận… các mặt bằng để trống vẫn còn, thậm chí nhiều bảng biển treo lên từ thời điểm trước đợt dịch lần 4 hiện vẫn chưa có khách thuê.
Sau ảnh hưởng của dịch, để nhanh chóng tìm khách thuê, nhiều chủ nhà phố ở trung tâm TP.HCM đăng quảng cáo cho thuê mặt bằng hoặc treo biển trước nhà với nhiều ưu đãi hấp dẫn như giảm giá thuê, miễn phí tiền thuê nhà tháng đầu, giảm tiền cọc…
Nhiều chủ nhà chấp nhận giảm giá hoặc ưu đãi như: miễn phí tiền thuê trong tháng đầu, không tăng giá hàng năm hoặc giảm đến 50% trong 3 - 6 tháng đầu đối với các hợp đồng thuê tối thiểu từ 3 - 5 năm.
Không chỉ mặt bằng ở trung tâm ế khách, nhiều mặt bằng ở các quận, huyện cũng được các chủ nhà quảng cáo rầm rộ, giảm giá cho khách thuê tới 50%.
Mức giá cho thuê nhà trên được cho là đã giảm so với thời điểm chưa dịch. Tuy nhiên, theo giới nhận định về thị trường nhà đất, dù đã giảm vẫn khó tìm được khách trong thời điểm này.
Báo cáo thị trường bất động sản trước đó của Batdongsan.com.vn chỉ ra, ở Tp.HCM, nhu cầu thuê nhà riêng, nhà mặt phố trong đầu quý 2 giảm 11-18%, nhu cầu thuê cửa hàng và kios cũng giảm khoảng 25% so với tháng 3.
Cũng theo khảo sát của Savills Việt Nam, để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê. Với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20-40% giá chào thuê hiện tại. Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm. Tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê. Trong đó, dịch vụ du lịch, F&B và thời trang, nhất là các chuỗi, đang là những ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời kì dịch bệnh. Để giảm tổn thất lâu dài, nhiều doanh nghiệp F&B và thời trang đã chuyển đổi kinh doanh sang hình thức trực tuyến khi thương mại điện tử tăng đột biến trong thời gian qua, và trả nhiều mặt bằng không kinh doanh hiệu quả để giảm chi phí thuê mặt bằng và nhân công.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng cửa hàng loạt dưới tác động của hạn chế du lịch trong và ngoài nước. Các ngành như y tế, ngân hàng và các chuỗi cửa hàng tiện ích vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong mùa dịch và có xu hướng mở rộng chuỗi/ chi nhánh, tuy nhiên, tốc độ mở rộng có xu hướng chậm lại. Họ cũng nhanh chóng thuê được các vị trí đẹp và phù hợp với các điều khoản thuê tốt.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills Tp.HCM cho rằng, với chuyển biến thị trường nhà phố sau 3 đợt dịch thì đợt bùng dịch thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh mạnh và dự đoán sẽ tác động mạnh nhất đến tình hình kinh tế xã hội sẽ là đòn đánh gây thương tổn mạnh hơn đến thị trường nhà phố.
Chuyên gia của Savills đánh giá khu vực ngoài trung tâm bị tác động nhiều hơn khu vực trung tâm. Mật độ tập trung cao của các tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp và các điểm tham quan du lịch chiếm lợi thế trong việc thu hút các khách thuê bán lẻ/ thương hiệu cả trong và ngoài nước mở cửa hàng.
Theo Savills, trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới. "Chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong. Khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đó là mở cửa hàng ở trung tâm thương mại hoặc mở rộng tiếp thị và bán hàng trực tuyến. Trong dài hạn, bà Trang vẫn lạc quan cho rằng thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và thị trường nhà phố cho thuê nói riêng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực.
Kỳ vọng "hồi sinh" dịp Tết
Theo chuyên gia Savills, các chỉ số vĩ mô vẫn được dự báo tăng trưởng mặc dù có chậm lại; doanh thu bán lẻ hàng hóa tại Tp.HCM đã có sự hồi phục sau mỗi đợt dịch và đạt các mức tăng trưởng cao 12% trong năm 2020 so với năm 2019 và kể cả quý I so với cùng kì năm trước.
Chia sẻ về giải pháp cho các đơn vị đang kinh doanh tại các mặt bằng vật lý tại Tp.HCM để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay, đại diện Savills cho rằng doanh nghiệp cần phải nắm rõ sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng và thay đổi theo xu hướng chung.
Phân khúc này kì vọng hoạt động kinh doanh sẽ trở lại sôi động hơn vào dịp giáp Tết nguyên đán, cũng như sự hồi phục về giá thuê và nhu cầu tìm thuê mặt bằng.
Hiện các trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi… tại Tp.HCM đã hoạt động trở lại. Loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ cũng đã hoạt động trở lại.
Thành phố đang từng bước phục hồi kinh tế; trong đó, các hoạt động kinh doanh ngành thương mại, dịch vụ như bán lẻ, nhà hàng, đồ uống sẽ đứng đầu nhóm ngành tăng trưởng cao. Hiện chính quyền các cấp của Tp.HCM đã chủ động xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế phù hợp tình hình kiểm soát dịch tại từng địa phương.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho hay, trong các tháng cuối năm 2021, thành phố sẽ triển khai 11 nhóm giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới theo nguyên tắc "an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn", từng bước khơi thông lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp cuối năm. Điều này góp phần thúc đẩy thị trường mặt bằng cho thuê sôi động trở lại.
Theo CafeF.vn
Xem thêm