TPHCM sẽ hình thành 5 đô thị tạo không gian phát triển mới

TPHCM sẽ phát triển 5 đô thị để tạo không gian phát triển mới với Thành phố Thủ Đức là đô thị sáng tạo - tương tác cao ở phía Đông, huyện Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam (huyện Bình Chánh) và đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi, Hóc Môn).

Tạo không gian phát triển mới

Thông tin trên được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết tại hội nghị sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra vào sáng 15.7.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; hai Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Trần Lưu Quang…

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đến dự, chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đến dự, chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Theo ông Phan Văn Mãi, thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch chung tạo không gian phát triển mới (nhất là không gian ngầm, không gian sông - biển). Trong đó, TPHCM là đô thị trung tâm của vùng đô thị TPHCM.

Trong nội bộ TPHCM, tiếp tục xác định phát triển đô thị đa trung tâm với thành phố Thủ Đức là đô thị sáng tạo - tương tác cao ở phía Đông, Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam (Bình Chánh) là cửa ngõ với Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Tây Bắc (Củ Chi- Hóc Môn).

Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống metro với mô hình TOD (theo Nghị quyết 98 của Quốc hội).

Toàn cảnh hội nghị.  Ảnh: Minh Quân
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Quân

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM sẽ tái cấu trúc kinh tế với định vị trở thành trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN... gắn với định vị lại chiến lược công nghiệp và không gian phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Thành phố cũng nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm/24h, kinh tế ven sông - hướng biển.

TPHCM huy động các nguồn lực xã hội thông qua triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, vượt trội phát triển TPHCM.

Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho hay, sẽ giải quyết tồn đọng, kiến tạo tâm thế hành động, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lý hiệu quả những dự án đang trì trệ nhiều năm như: Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án Safari ở Củ Chi, khu Bình Quới - Thanh Đa...

Kinh tế sẽ tái lập đỉnh tăng trưởng vào năm 2025 - 2026

Cũng tại hội nghị, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, kinh tế thành phố có lúc tăng trưởng hai con số và cao gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Tuy nhiên, kinh tế thành phố đã suy giảm dần trong 10 năm qua và chạm đáy vào Quí I/2023.

“Đây là thời điểm đã bộc lộ rõ nhất những tồn tại tích tụ trong nhiều năm do kinh tế chậm được tái cơ cấu và thể chế quản lý đô thị còn nhiều bất cập” - ông Mãi phân tích và nói hai vấn đề này phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.  Ảnh: Thành Nhân
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thành Nhân

Bên cạnh đó, việc chậm đầu tư, triển khai các công trình, dự án đồng bộ đã ảnh hưởng đến việc hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như tạo không gian phát triển cho thành phố.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cho hay, những tiền đề chúng ta tạo ra từ đầu nhiệm kì đến giờ, từ các Nghị quyết của Đảng, các cơ chế, chính sách của Trung ương và nỗ lực của TPHCM thì kinh tế thành phố sẽ phục hồi trở lại phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Dự báo kinh tế TPHCM sẽ tái lập đỉnh tăng trưởng rơi vào khoảng năm 2025 - 2026.

Theo Báo Lao Động


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng