5 loại giấy tờ cần sửa đổi cập nhật thông tin sau khi đổi sang thẻ CCCD gắn chip để tránh rủi ro
Khi đổi Chứng minh nhân dân (CMND) sang Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, mọi giao dịch đã xác lập có sử dụng số CMND 9 số cũ vẫn có giá trị pháp lý. Tuy nhiên để thực hiện các giao dịch mới thuận tiện thì công dân nên thực hiện các cập nhật, sửa đổi thông tin 5 loại giấy tờ sau đây.
1. Hộ chiếu
Theo luật ở nước ta, khi điền tờ khai xin cấp hộ chiếu X01, người dân bắt buộc cung cấp các thông tin như họ tên, ngày sinh, nơi sinh, giới tính, số CMND/thẻ CCCD… và chúng sẽ luôn xuất hiện trên hộ chiếu.
Hộ chiếu có thể hiện số CMND/CCCD nên nếu bạn thay đổi CMND sang thẻ CCCD thì phải sửa cả hộ chiếu sửa CCCD. Tuy nhiên, với trường hợp làm hộ chiếu bằng thẻ CCCD 12 số, sau đó chuyển sang thẻ CCCD gắn chip thì mã số định danh vẫn được giữ nguyên nên không cần thay đổi.
2. Tài khoản ngân hàng
Khi số CMND thay đổi thì thông tin cá nhân trong các hồ sơ tài khoản ngân hàng cũng không còn trùng khớp. CMND là công cụ để xác minh bạn có là chủ tài khoản hay không. Nếu các số bị sai lệch thì nhân viên không thể đối chiếu và xác nhận bạn là chủ tài khoản và ảnh hưởng đến giao dịch.
Vì vậy, sau khi thay đổi CCCD, bạn nên liên hệ với ngân hàng quản lý tài khoản để hỗ trợ kịp thời thay đổi thông tin cá nhân, để đảm bảo mọi giao dịch diễn ra thông suốt.
3. Giấy tờ nhà, sổ đỏ, sổ hồng
Điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có quy định về việc ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận.
Theo đó, cá nhân trong nước thì ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi "CMND số:…"; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi "CMQĐ số:…"; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi "CCCD số:…"; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi "Giấy khai sinh số…".
Như vậy, thông tin số CMND/CCCD của người sử dụng, sở hữu đất đai gắn liền với đất được ghi tại trang 1 Giấy chứng nhận. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn với đất khi đổi mới CCCD không ảnh hưởng tới quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Việc xác nhận thay đổi được thực hiện theo yêu cầu.
Đây là giấy tờ không hoàn toàn bắt buộc phải đổi nhưng để tránh những rủi ro giao dịch mua bán sau này nếu có, nên cân nhắc thay đổi lại cho khớp số trên thẻ CCCD gắn chip.
4. Thay đổi thông tin đăng ký thuế
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019 thì cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, khi có thay đổi một trong các thông tin trên tờ khai đăng ký thuế (ví dụ: thay đổi về số chứng minh nhân dân/căn cước công dân...) phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.
Người lao động có thể tự mình thực hiện thủ tục hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế. Người lao động có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.
5. Sổ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm y tế
Sổ BHXH, thẻ BHYT của công dân không thể hiện trực tiếp thông tin số CMND/CCCD trên sổ, thẻ nên công dân không phải làm thủ tục đổi sổ BHXH, thẻ BHYT mới khi đổi từ CMND 9 số qua thẻ CCCD gắn chip 12 số.
Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục liên quan như tra cứu quá trình tham gia BHXH, hạn sử dụng BHYT…thì công dân cần làm thủ tục cập nhật thông tin hồ sơ BHXH, thẻ BHYT.
Theo CafeF
Xem thêm